Bà con đồng bào Dao ở Hoàng Su Phì lại bắt đầu cho một mùa cấy mới, người người, nhà nhà lại dắt con trâu, con bò đi cầy bừa. Giờ đây, cái lạnh tê tái của mùa Xuân đã được thay thế bằng cái nắng dịu dàng của những ngày Hạ. Vùng đất Hoàng Su Phì lại thay da đổi thịt. Ánh nước lóng lánh của hàng trăm bậc thang trải dài miên man từ đỉnh núi xuống chân núi khiến con người ta choáng ngợp. Mùa nào mà Hoàng Su Phì không đẹp? Chắc có lẽ mùa đó không tồn tại trên cõi đời này. Chào mừng bạn ghé thăm Hoàng Su Phì mùa nước đổ!
Tôi đến Hoàng Su Phì vào những ngày giáp Tết, Hoàng Su Phì lúc này được khoác lên mình chiếc áo choàng xanh mướt mát. Hoàng Su Phì là một người thiếu nữ mặn mà trong những lễ hội văn hóa truyền thống. Đó là ngày lễ cấp sắc – nơi mà các cặp vợ chồng đã cưới lâu năm được sắc phong, đó là đám cưới của người Dao đỏ với bộ váy áo truyền thống xinh đẹp, và đó là lễ hội nhảy lửa – lễ hội khiến ai cũng cảm thấy thán phục về khả năng chịu đựng của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì.
Người ta bảo, đừng nên lên Hà Giang làm gì, bởi vì đi Hà Giang một lần rồi bạn sẽ phải nhung nhớ Hà Giang đến một đời. Tôi chột dạ, thời tuổi trẻ, mình lỡ dại đến mãnh đất địa đầu của tổ quốc này rồi, nên suốt chặng đường này, có lẽ tôi sẽ đồng hành với nó dài lâu hơn nữa.Tôi còn nhớ, thời tôi ra Hoàng Su Phì tiết trời lạnh đến thấu xương. Tôi thật sự không có khả năng chống chọi được với cái lạnh của Hoàng Su Phì, bởi vậy mà tôi cứ mãi e ấp bên bếp lửa hồng của ngôi nhà Kinh Homestay.
Thế nhưng, chốc chốc tôi cũng phải ra bên ngoài để giao lưu với thế giới của Hoàng Su Phì. Zoom hết cỡ cái máy ảnh để thu mọi thứ vào tầm ngắm, tôi nhìn thấy bà lão già đang điệu em bé trên lưng rồi hì hục cuốc từng cuốc đất.
Tôi: Bà đang làm gì thế?
Bà: Bà đang làm ruộng, đang cuốc đất, bà không nói được tiếng Kinh đâu!
Tôi: Sao không có ai phụ bà thế ạ!
Bà: Tụi trẻ đi làm bên Trung Quốc hết rồi, chỉ còn bà và cháu thôi!
Tôi hỏi thêm vài câu nữa, nhưng rồi bà không hiểu nỗi tiếng Kinh nên tôi cũng chỉ nhìn ngắm bà cầy cuốc rồi làm việc của mình. Những mùa này, bà đang hoàn thành tất cả những công việc dang dỡ để chuẩn bị bước vào mùa gieo mạ, cầy cấy lúa, đón chào mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì.
Khác với những cảnh núi non hùng vĩ của Hà Giang, những ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có độ cao hơn, dốc hơn và dường như là chênh vênh hơn hẳn. Có lẽ vì thế mà cảnh sắc của Hoàng Su Phì ngày càng thêm hùng vĩ, ngóng nhìn những bờ ruộng cao và mướt mát, người lữ khách như liên tưởng đến những tác phẩm điêu khắc được một nghệ sĩ tài hoa mài dũa một cách công phu theo năm tháng.
Đến Hoàng Su Phì mùa nước đổ, bạn nên tìm ngay một chỗ đẹp nhất để ngắm nhìn khoảng không gian vô tư lự ấy. Tôi nghĩ, mình sẽ đứng ngắm nhìn cảnh ruộng bậc thang mùa nước đổ ngay chỗ mà anh Kinh – chủ Kinh Homestay ở Hoàng Su Phì giới thiệu là chỗ đẹp nhất có thể nhìn được toàn cảnh xã Thông Nguyên của Hoàng Su Phì. Từ một đỉnh núi cao cao, phóng xa tầm mắt một chút, bạn có thể nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang được xếp liền thành những ngọn núi, trông chúng uốn lượn như những đường vân của cây gỗ đã mấy ngàn năm tuổi. Rồi xen kẽ đó, chính là những ngôi nhà được lợp bằng chiếc lá cọ nhỏ xinh của đồng bào người Dao. Dưới cái nắng chiều tà, cảnh sắc mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì gần như là tuyệt mỹ.
Mùa nước đổ, Hoàng Su Phì thay đổi theo từng quãng thời gian. Vào buổi sáng sớm, ruộng bậc thang có những đường cong mềm mại, len lỏi vào bên trong đó chính là những áng mây trắng cùng ánh nắng chói chang của buổi bình minh. Bạn nên hít một hơi thật sâu để rồi cảm nhận cái vẻ đẹp mỹ miều của vùng đất linh thiêng ngay tại thời quãng này.
Vào buổi hoàng hôn, dưới cái nắng mặt trời dịu ngọt, những thửa ruộng bậc thang được pha phảng thêm một chút ánh sang dịu nhẹ, sự phảng phất của nước vào những thửa ruộng bậc thang khiến cho con người cảm thấy như ngây dại. Bà con đồng bào Dao lúc này đang nghiêng mình để cấy nốt những thửa mạ, mọi người cười cười nói với nhau bằng thứ tiếng Dao rôm rả mà tôi nghĩ nếu tôi không chịu học thứ tiếng này thì chắc chắn cả đời tôi cũng chả hiểu họ nói với nhau điều gì.
Đồng bào Dao đang tất bật cấy mạ, mùa này, mọi thứ được chuẩn bị khá công phu và tỉ mỉ để đón chờ những điều tuyệt vời nhất sẽ diễn ra vào dịp Tết. Một năm có 365 ngày, ngày mà đồng bào Dao đi cấy mạ chính là ngày đẹp nhất trong năm. Những người đam mê chụp ảnh, hay đơn thuần là đam mê những thửa ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì mùa nước đổ rồi sẽ phải bị mê hoặc bởi những cảnh sắc ngọt lịm này.
Con đường tìm đến cái đẹp gian lao lắm, bởi vậy, nếu đã bỏ công lên Hoàng Su Phì mùa nước đổ thì hãy thưởng thức một đêm trọn vẹn ở những ngôi nhà homestay tại Hoàng Su Phì, rồi bạn sẽ chẳng muốn về!
Mến chào bạn đến với mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì!