Dinh thự được xây dựng hoàn toàn thủ công trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng lúc bấy giờ.
Cụ Vương Chính Đức (1865 – 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Dinh thự họ Vương có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây dựng trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng. Ảnh: hachi8
Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được làm hoàn toàn thủ công. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển những tảng đá cách thôn Sà Phìn 7km để xây nhà.
Bao quanh khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Ảnh: Lao động
Dinh thự có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Ảnh: Lao động
Ngôi nhà xây bằng đá xanh vĩnh cửu, gỗ thông núi đá rất cứng và chống mối mọt tốt. Ngói máng âm dương màu ghi xanh có thể chống được mưa đá to. Ảnh: Vietnammoi
Để đánh được một chân cột đá, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn. Ảnh: Lao động
Cửa bằng gỗ, được chạm khắc hoa văn độc đáo. Ảnh: hachi8
Mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn hình chữ “thọ”. Ảnh: hachi8
Phòng làm việc và tiếp khách của vua Mèo. Ảnh: Lao động
Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn.
VnExpress đưa tin, ngày 21/7 vừa qua, ông Vương Duy Bảo (cháu nội vua Mèo -Vương Chính Đức) đã có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương.
Tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Tuy nhiên, đến năm 2002 gia đình họ Vương mới biết quyết định này, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng.
Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Văn hóa thời kỳ đó. Bộ Văn hóa sau đó kết luận, quyết định công nhận di tích của Bộ không quốc hữu hóa dinh thự, không tước quyền sở hữu của những người trong gia đình họ Vương.
Nhưng mới đây gia đình ông Vương Duy Bảo biết thêm UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Theo ông Bảo, thông tin này khiến bà con, họ hàng trong gia đình họ Vương rất bức xúc.
“Để tránh sự việc dẫn đến những diễn biến xấu, tôi đại diện chủ sở hữu họ Vương người H’mông khẩn thiết mong Thủ tướng giúp giải quyết sự việc trên để trả lại quyền sử dụng mảnh đất, gắn với tòa dinh thự đã hơn 100 năm nay của họ Vương người H’mông chúng tôi”, ông Bảo viết trong thư.
Ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản số 7766 tới UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch về kiến nghị của ông Vương Duy Bảo liên quan đến tòa dinh thực của họ Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8 về tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Tổng hợp